News Ticker

Menu

Đề Văn TP HCM phá vỡ khuôn mẫu, gây hứng thú cho học sinh

Với yêu cầu bình luận về thực trạng hát Quốc ca và lối sống vô cảm của nhiều bạn trẻ, đề Văn vào lớp 10 ở TP HCM gây hứng thú cho học sinh. Câu nhận xét về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể ở đề Văn Hà Nội cũng được đánh giá là hay.

Rời khỏi phòng thi với khuôn mặt hồ hởi, Như Quỳnh, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng (Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ đã rất bất ngờ và thú vị với đề Văn năm nay. Câu đầu tiên đề đã đưa ra trích đoạn bài báo nói về cảm xúc của một gia đình khi xem cầu thủ cất vang Quốc ca trước trận đấu bóng đá tại SEA Games, từ đó yêu cầu thí sinh liên hệ với tình trạng hát Quốc ca trong nhà trường.

Nhận xét Quốc ca không chỉ là một bài hát đơn thuần mà được viết trong thời kỳ kháng chiến và chứa đầy sinh khí hào hùng, linh hồn của người Việt, Như Quỳnh chia sẻ: “Không ít lần khi Quốc ca vang lên, em đã thổn thức nhớ lại những thước phim tài liệu về cuộc cách mạng của dân tộc, nhớ lại những hy sinh mất mát của cha ông để đánh đổi hòa bình cho đất nước”.


Trong bài làm, Quỳnh nhận xét hiện nay trong nhà trường cứ thứ hai hàng tuần, toàn thể học sinh lại được tập trung dưới sân trường để làm lễ chào cờ và hát Quốc ca. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa nghiêm túc và không coi trọng bài hát.
Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Loan
Minh Phương, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng, cũng cho rằng Quốc ca đã mang lại cho người dân Việt Nam rất nhiều cảm xúc, đó là linh hồn của người Việt. Song, hiện rất nhiều người, nhất là lớp trẻ không ý thức được tinh thần này. Ngay trong trường học đã không ít lần Phương nhìn thấy các bạn vừa hát Quốc ca vừa đùa nghịch, trêu chọc nhau. "Thậm chí có bạn còn quên lời, pha chế làm méo mó tinh thần của bài hát. Em nghĩ mọi người dân Việt Nam cần có ý thức khi cất vang bài hát này", Minh Phương nói.

Ngoài phần nhận xét về tình trạng hát Quốc ca, câu 2 của đề thi đề cập lối sống vô cảm của một bộ phận giới trẻ cũng khiến thí sinh hứng thú. Em Nguyễn Thị Nga, Hội đồng thi trường THCS Phan Tây Hồ, chia sẻ: “Em có một phòng riêng và đúng là phòng em dán đầy hình ảnh của một diễn viên Hàn Quốc. Em thấy mình còn thiếu sót khi không dành thời gian cho cha mẹ và em trai nhiều hơn. Khi ngồi viết những suy nghĩ ấy, em thấy mình cần thay đổi”.

Cho rằng đề năm nay vừa sức, nhiều câu hỏi mở, phần kiến thức thuộc về xã hội, tư duy của bản thân nên Nga làm bài khá tốt. Trước đó em và các bạn trong lớp đã được giáo viên lưu ý về việc Sở Giáo dục TP HCM năm nay sẽ ra đề theo hướng mở nên có sự chuẩn bị trước tinh thần.

Là giáo viên dạy Văn của trường THCS Lý Tự Trọng, cô Vũ Lan cho rằng đề thi năm nay rất hay, không còn rập khuôn theo kiến thức của sách giáo khoa mà thay vào đó đã khơi gợi cho học sinh nhiều cảm xúc. Theo cô đề này vừa sức với thí sinh, em nào tư duy tốt dễ dàng đạt điểm khá.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội, cũng cho rằng, đề thi vào lớp 10 TP HCM năm nay khá hay, phá vỡ khuôn mẫu lâu nay, tạo nhiều hứng thú cho học sinh. Đề thi bên cạnh việc đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức chắc về các tác phẩm văn học, còn phải có kỹ năng đọc hiểu văn bản và có hiểu biết thực tế cuộc sống, có quan điểm riêng về các vấn đề xã hội gần gũi với các em. 

Câu 2 khi đề cập lối sống thờ ơ, bệnh vô cảm đang tồn tại ở không ít bạn trẻ, đề kết hợp giữa hình ảnh minh họa và lời dẫn, có tác dụng vừa khơi gợi những suy nghĩ, cảm nhận của học sinh từ những hình ảnh trực quan, vừa làm rõ vấn đề qua phần diễn giải.

Tại Hà Nội, sau 2/3 thời gian đã có một vài sĩ tử ra sớm. Theo nhiều thí sinh ở điểm thi THPT Nhân Chính, đề Ngữ văn năm nay khá dễ, học sinh trung bình cũng có thể được 6-7 điểm. "Hai tác phẩm ra trong đề đều nằm trong chương trình học lớp 9, chúng em đã được thầy cô ôn tập kỹ lưỡng. Bài ngữ pháp hỏi về phép liên kết, phép thế, câu cảm thán cũng đơn giản. Em chỉ mất 90 phút làm xong đề thi này", Trần Nguyễn Quang Duy (THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) nói.

Đồng Nguyên Giang (THCS Phan Đình Giót), Hoàng Ngọc Linh (THCS Kim Giang) cũng cho rằng, đề Ngữ văn thi vào lớp 10 năm nay "dễ thở", chỉ cần học chăm chỉ kiến thức trong sách giáo khoa sẽ làm được 7-8 điểm.
Hầu hết thí sinh cho rằng, đề Văn năm nay dễ. Ảnh: Quý Đoàn.
Bài nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể gây được nhiều hứng thú cho thí sinh tại điểm thi THPT Nhân Chính nhất. "Em chưa bao giờ được ôn về đề tài này, nhưng đã làm khá tốt khi nêu cả hiện tượng, phân tích mặt tốt - xấu của mối quan hệ và liên thệ bản thân", Nguyên Giang (THCS Phan Đình Giót) nói.

Theo Giang, việc có mối quan hệ tốt với tập thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, nhất là khi mình gặp khó khăn sẽ có người đến giúp. Do đó, học sinh ngoài việc học hành chăm chỉ cần rèn luyện tu dưỡng đạo đức, cách đối nhân xử thế để có nhiều mối quan hệ tốt. Hiện nay có một bộ phận giới trẻ tự nhốt mình trong vỏ bọc, không mở rộng quan hệ thì sẽ khó phải triển bản thân được. 

Tại điểm thi THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, từ 9h45 đã có những thí sinh đầu tiên ra khỏi trường thi. "Đề thi dễ thở, nằm gọn trong chương trình sách giáo khoa", Bùi Hoàng (THCS Yên Hoà) nói.

Rất hứng thú với câu nghị luận về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, Bùi Hoàng đã lấy sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để liên hệ. "Sự kiện này đã thôi thúc người dân cả nước gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Từ học sinh đến người lớn đều có những cách thể hiện tình yêu nước riêng, làm nên mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể", Hoàng nói. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội có cấu trúc tương tự như các năm trước, gồm hai phần kiểm tra kiến thức và kỹ năng đọc hiểu văn bản ở hai phần thơ và văn xuôi. Câu 1, 2, 3 của phần I và câu 1, 2 của phần II yêu cầu tái hiện kiến thức và nhận biết, phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ. Đây là phần dễ "ăn điểm" đối với thí sinh.

Câu 4 của phần I và câu 3 của phần II yêu cầu viết đoạn văn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp về thực tế cuộc sống, về nội dung tác phẩm văn học đồng thời phải có kỹ năng diễn đạt, trình bày quan điểm của cá nhân một cách mạch lạc, logic. Hai câu 4 phần I và câu 3 phần II là điểm nhấn, định hướng học sinh về tinh thần công dân, về trách nhiệm của cá nhân trước tập thể và ý thức lao động góp phần dựng xây đất nước. 

"Đây chính là những câu hỏi hay, chiếm trọng số điểm cao trong toàn bộ đề thi và có khả năng phân hóa học sinh. Với đề thi này, học sinh chăm chỉ, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể hy vọng đạt 7-8 điểm", thầy Hùng nói.


Share This:

Diemthi.com.vn

Sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong học tập, thành quả mà các em học sinh nhận được là kết quả đáng mong đợi trong các kỳ thi quan trọng như Thi tuyển vào lớp 10, tuyển sinh Đại học- Cao đẳng… Đây thực sự là các dấu ấn khó phai trong con đường học tập của các em. Hiểu được sự kỳ vọng lớn lao của chính các em, của gia đình các em, website diemthi.com.vn được tạo nên nhằm mục đích cung cấp cho các em học sinh, cũng như các bậc phụ huynh những kiến thức tư vấn bổ ích, giúp các em thêm tự tin trong học tập cũng như gia đình cảm thấy thực sự yên tâm.

No Comment to " Đề Văn TP HCM phá vỡ khuôn mẫu, gây hứng thú cho học sinh "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM